Breaking News

8 nguyên nhân khiến bạn khó thụ thai thành công

Đối với phụ nữ, việc mong chờ nhiều năm nhưng vẫn chưa mang thai có thể tạo ra không ít áp lực về tâm lý và có thể ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình. Nếu bạn cũng đang gặp phải tình trạng này, hãy bắt đầu tìm hiểu về những nguyên nhân khiến bạn khó thụ thai để sớm tìm được giải pháp tốt nhất nhé.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thụ thai không chỉ do vô sinh. Trên thực tế, việc bạn mong chờ đã lâu nhưng vẫn chưa có tin vui có thể là hệ quả của những vấn đề sức khỏe sau.

1. Khó thụ thai do kinh nguyệt không đều

Khó thụ thai do kinh nguyệt không đều

Chu kỳ kinh nguyệt không đều hàng tháng, kéo dài hơn so với bình thường hoặc không có kinh nguyệt trong nhiều tháng liền đều là những dấu hiệu cho thấy bạn khó có khả năng thụ thai thành công. Nếu kinh nguyệt đều hàng tháng nhưng bạn vẫn chưa mang thai, nguyên nhân có thể do độ dài của chu kỳ kinh nguyệt. Theo nghiên cứu từ American Journal of Epidemiology, những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 25 ngày có sẽ khó thụ thai hơn so với phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt dài hơn.

2. Bạn đang gặp vấn đề về cân nặng

Khó thụ thai do vấn đề cân nặng

Khi cơ thể bạn đang bị suy dinh dưỡng, khả năng rụng trứng có thể giảm. Ngược lại, nghiên cứu cho thấy, chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng mang thai. Tình trạng thừa cân, béo phì có thể khiến cơ thể bị mất cân bằng nội tiết tố hoặc thay đổi chu kỳ rụng trứng và làm giảm cơ hội thụ thai thành công ngay cả khi bạn có quan hệ tình dục thường xuyên.

Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn nên sớm nói chuyện với bác sĩ về cách đạt và duy trì một trọng lượng an toàn để có thai. Ngoài ra, đừng quên việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý với những thực phẩm dễ thụ thai và tốt cho sức khỏe cùng với các bài tập phù hợp để sớm có được cân nặng như ý.

3. Tình trạng sức khỏe không tốt

Khó thụ thai do sức khỏe không tốt

Điều kiện sức khỏe không tốt có thể gây khó khăn cho việc thụ thai. Nhiều vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng mang thai như các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs), tử cung lạnh, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp, rối loạn co giật, huyết áp cao, viêm khớp, rối loạn ăn uống, và các bệnh mãn tính đều có khả năng cản trở bạn thụ thai.

Do đó, trước khi cố gắng thụ thai, bạn và chồng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát để thảo luận và đề phòng bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai hoặc mang thai.

Xem thêm: Những dấu hiệu mang thai bạn cần biết

4. Khó thụ thai do tính sai ngày rụng trứng

Khó thụ thai do tính sai ngày rụng trứng

Nhiều phụ nữ tin theo các quy tắc trên sách vở rằng mình sẽ rụng trứng 14 ngày sau ngày kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, độ dài chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi người khác nhau, và hiện tượng rụng trứng không phải lúc nào cũng xảy ra tại một thời điểm mỗi tháng. Do đó, tốt nhất bạn nên tìm hiểu rõ về cách tính ngày rụng trứng của mình.

Nhiều phụ nữ cũng nghĩ rằng họ có thể dễ dàng nhận biết được các dấu hiệu rụng trứng. Nếu đúng như chu kỳ của cơ thể, bạn có thể nhận thấy rõ chất dịch âm đạo màu trắng tăng lên một vài ngày trước khi rụng trứng. Thế nhưng, nhiều phụ nữ không nhận ra điều này và nhầm lẫn rằng chất dịch bình thường của họ là một dấu hiệu của sự rụng trứng. Thay vì đoán mò như vậy, bạn có thể sử dụng bộ dụng cụ dự đoán ngày rụng trứng như que thử rụng trứng có thể đưa ra một kết quả chính xác hơn.

5. Quan hệ tình dục sai cách

Khó thụ thai do quan hệ tình dục sai cách

Không ít cặp vợ chồng quan niệm rằng nên quan hệ tình dục ít hơn để “tiết kiệm” tinh trùng của chàng, hoặc chỉ nên quan hệ vào những ngày rụng trứng để tăng khả năng mang thai. Tuy nhiên, vì trứng chỉ tồn tại khoảng 24 giờ sau khi rụng để được thụ tinh, nên nếu dự đoán sai về ngày rụng trứng, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội thụ thai thành công.

Một nghiên cứu cũng cho thấy, cửa sổ thụ thai có thể đến sớm hoặc trễ hơn vào mỗi tháng, và chỉ có khoảng 30% phụ nữ có cửa sổ thụ thai đúng như các tính toán lâm sàng. Trong khi đó, tinh trùng có thể tồn tại từ 3-5 ngày sau khi xuất tinh, nên quan hệ tình dục trong vài ngày trước ngày rụng trứng sẽ có lợi hơn cho quá trình thụ thai của bạn. Ngược lại, quan hệ tình dục nhiều lần trong một ngày hoặc thậm chí mỗi ngày có thể dẫn đến việc “kiệt sức” và giảm ham muốn, khiến các cặp vợ chồng có thể quan hệ ít hơn trước ngày rụng trứng.

Ngoài ra, việc chọn lựa tư thế quan hệ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bạn, chẳng hạn như tư thế quan hệ kiểu truyền thống hoặc từ phía sau có thể giúp dương vật tiến sâu vào âm đạo và xuất tinh gần cổ tử cung hơn.

6. Sử dụng chất bôi trơn

Khó thụ thai do dùng chất bôi trơn

Hãy suy nghĩ thật kỹ khi bạn có ý định sử dụng chất bôi trơn. Chất bôi trơn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động của tinh trùng, làm cho tinh trùng khó đi đến trứng. Nếu bạn phải sử dụng một chất bôi trơn, hãy thử một chất bôi trơn không ảnh hưởng đến tinh trùng. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn dùng chất bôi trơn từ tự nhiên thì dầu ô liu, dầu thực vật hay dầu em bé,… sẽ là lựa chọn an toàn và hiệu quả cho bạn.

7. Hội chứng buồng trứng đa nang gây khó thụ thai

Khó thụ thai do buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn nội tiết tố trong đó hormone của người phụ nữ không cân bằng. Hội chứng này có thể gây ra những thay đổi không mong muốn như lông tóc mọc bất thường trên khuôn mặt và cơ thể hoặc bỗng nhiên nổi mụn. Nó cũng gây ra các vấn đề như chu kỳ kinh nguyệt không đều, không có kinh hoặc chảy máu nhiều… dẫn đến việc khó thụ thai. Nếu không được điều trị, theo thời gian có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tiểu đường và bệnh tim.

8. Không yêu cầu trợ giúp sớm

Khó thụ thai do không yêu cầu trợ giúp

Hãy tìm đến sự giúp đỡ cần thiết hơn là để quá muộn và tuổi tác trở thành cản trở lớn đối với việc thụ thai. Nếu bạn từ 35 tuổi trở lên, bạn nên đến gặp một chuyên gia về sinh sản sau 6 tháng cố gắng thụ thai nhưng không thành công. Ngoài ra, nếu bạn trẻ hơn và có kinh nguyệt không đều hoặc có tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), mang thai ngoài tử cung, viêm vùng chậu (PID), hoặc các vấn đề về sức khỏe sinh sản khác khiến bạn khó thụ thai, hãy tìm đến một chuyên gia để được tư vấn sớm nhất có thể.

Hi vọng rằng, những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bản thân và người bạn đời, từ đó có thể tìm được giải pháp tốt nhất để cải thiện sức khỏe sinh sản và sớm nhận được tin vui mà bạn luôn mong chờ nhé!